CƠ SỞ ĐẶC BIỆT-GIÁO DỤC TRẺ ĐẶC BIỆT
Đinh Quận .
Cơ sở Đặc biệt ấy là “ Trung Tâm Hỗ Trợ Phát Triển Giáo Dục Hòa Nhập Hoa Sao”. Cơ sở được UBND Tỉnh ban hành Quyết Định số 851/QĐ-UBND tỉnh, ngày 19/3/2018. Địa chỉ tại Tổ 2, Khu 3b, phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, do cô giáo Bùi Kiều Chinh làm Giám đốc. Với gần 10 năm ấp ủ thai nghén thành lập theo mô hình này, và với quãng thời gian dài làm Đề án, chứng minh năng lực, khả năng của cơ sở, nguồn trẻ em “Đặc biệt” và hàng loạt thủ tục hành chính, cuối cùng thì cô Bùi Kiều Chinh cũng thoả niềm khát khao bấy lâu nay. Nỗi khát khao ấy không của riêng cô, mà còn là mong mỏi của các giáo viên- nhân viên tâm huyết gần mười năm gắn bó với Trung tâm, và hơn cả là các phụ huynh và các “thiên thần đặc biệt”, mà người ta hiện nay gọi với từ thân thương là các trẻ “Vip”.
Cầm tờ quyết định, cô vỡ òa trong vui sướng. Vui sướng, vì cô được thoả sự đam mê được cống hiến với nghề, cô được học bài bản tại trường Đại học Sư Phạm Hà Nội ( khoa giáo dục Đặc biệt). Năm 2008, tốt nghiệp ra trường, một ngành học quý, hiếm nhưng chưa phát triển, khi đó chưa nhiều người biết đến ngành học này. Và cô đã quyết tâm thành lập nhóm lớp Mầm Non tư thục Ánh Sao. Tháng 6/2009, khi bắt đầu hoạt động, nhóm có hơn 10 cháu trong độ tuổi mầm non trên địa bàn phường xin nhập học. Những năm sau đó, số lượng trẻ mầm non dần tăng lên, sau có một số phụ huynh đưa con cháu đến xin học,trong đó có một số cháu trí tuệ không bình thường, chuyên môn gọi là trẻ chậm phát triển. Cô giáo Bùi Kiều Chinh đã phát huy khả năng chuyên môn học ở trường với chuyên ngành giáo dục đặc biệt của mình, nhận chăm sóc và dậy các trẻ ấy. Bởi tại thời điểm đó, mô hình giáo dục trẻ tự kỷ ( trẻ đặc biệt) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa đâu có. Vậy là cô tìm đến một số cơ sở dạy trẻ tự kỷ trong cả nước học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu chính sách của Nhà nước, về cơ chế… loại hình giáo dục trẻ tự kỷ; cộng với kiến thức được đào tạo tại trường Đại học Sư Phạm Hà Nội và trên mạng, trên sách báo…( nay cô đang theo học Thạc Sỹ cũng ngành giáo dục đặc biệt). Khi thấy đủ kiến thức, đủ bản lĩnh, đủ tự tin, năm 2010, cô mạnh dạn nhận trẻ ở nhiều dạng tật: tự kỷ, khiếm thính, chậm nói, chậm phát triển trí tuệ, down…
Tôi có hỏi cô rằng “ tại sao cô lại chọn một nghề mới mẻ, đầy khó khăn và thách thức như vậy, và cô lại đam mê với nó?”, Cô chỉ nói rằng “ cháu luôn thấy nụ cười của Bố, mỗi khi cháu thành công, bố là nguồn động lực lớn với cháu”, hỏi ra mới biết Chinh sinh ra trong một ra đình có bà ngoại là người khiếm thị, bố là người khuyết tật vận động, nên từ nhỏ, cô nhìn thấy nghị lực của bà và bố, cô luôn mong khi lớn lên sẽ giúp đỡ được các mảnh đời như vậy , chính vì thế hơn ai hết cô thấu hiểu nỗi khao khát của các ông bố, bà mẹ có con tự kỷ, mong ước chúng được học hành, được phát triển bình thường, hoà nhập xã hội.
Khi Cơ sở Mầm Non Ánh Sao nhận trẻ đặc biệt vào học, rất nhiều phụ huynh đưa trẻ đến xin học, nhưng cơ sở quy mô còn nhỏ, giáo viên khó tuyển, quy định còn nhiêu vướng mắc, cơ cở chỉ nhận nhỏ giọt, 5 cháu, 10 cháu… Hiện nay duy trì dạy tập trung trên dưới 30 cháu trong mỗi năm học trong độ tuổi từ 2 đến 15 tuổi. Từ năm 2010 đến nay, cơ sở tư vấn và can thiệp cho khoảng 450-500 lượt cháu. Tình trạng tật, mức độ tật cũng rất khác nhau, nên mỗi cháu có một giáo trình, giáo án riêng, rất tỷ mẩn, giáo viên phải kiên trì, nhẫn nại, mềm mỏng, hiểu tâm lý từng trẻ…Cách giảng dậy cũng rất đa dạng, không theo công thức cứng nhắc, và không phải ai cũng có thể làm được như Thầy Thịnh; Cô Nhung; Cô Vân; Cô Mai…cùng các giáo viên khác ở đây. Cô giáo Kiều Chinh minh họa, có cháu nếu không có cô giáo đi cùng với phụ huynh thì không chịu về. Có cháu 10-12 tuổi, thậm chí 15 tuổi, buổi trưa phải có cô giáo nằm cùng mới ngủ, bữa ăn có cháu đòi cô giáo xúc ăn, nhiều việc có thể tự làm được, nhưng cứ phải có cô giáo làm cho…Hiện nay ở Trung tâm có 8 Giáo viên- nhân viên, tất cả các giáo viên- nhân viên đều có trình độ về giáo dục đặc biệt; tâm lý; công tác xã hội, và thường xuyên được tham gia tập huấn chuyên ngành. Cô Chinh nói : “ giáo viên – nhân viên của cháu không phải là những giáo viên bình thường, họ không phải là những người đi làm công cho cháu, mà họ là những người cộng sự vô cùng tuyệt vời và tâm huyết của cháu, cháu cảm ơn họ đã chịu lắng nghe, và bước đi cùng cháu trên con đường này”.
Hiện tại Trung tâm với diện tích mặt bằng, đồ dung đồ chơi chơi, phương tiện giảng dạy, thiết bị chuyên dụng phục vụ can thiệp với giá trị hàng trăm triệu đồng được cô giáo Kiều Chinh huy động từ gia đình, người thân để đầu tư. Bữa ăn trưa của các cháu 15.000đ/suất, do phụ huynh đóng góp. Tuy còn rất khó khăn về tài chính, nhưng Trung Tâm đài thọ bữa phụ bằng sữa 3.000đ/cháu.
Theo Đề án trình UBND tỉnh và các ngành chức năng, năm 2019- 2020 Trung Tâm sẽ nâng lên 60 cháu. Trung tâm rất mong được các ngành chức năng tạo quỹ đất để sau năm 2020 Trung Tâm nâng quy mô giáo dục tập trung lên 80-100 cháu. Tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho những cháu còn khả năng tiếp thu và làm được những việc phù hợp. Xây dựng cơ sở nội trú để thu nhận trẻ đặc biệt các địa phương trong tỉnh.
Cô giáo trẻ Kiều Chinh, xinh xắn mảnh mai đầy tâm huyết bày tỏ nguyện vọng mà như muốn khóc. Bởi xã hội còn rất nhiều trẻ tự kỷ, trẻ đặc biệt khao khát được học hành, được hòa nhập cộng đồng mà lực bất tòng tâm. Cô rất mong chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cộng đồng dân cư quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ để các cháu ở trung tâm có thêm các trang thiết bị hỗ trợ quá trình học tập và sinh hoạt, giúp các con sớm hoà nhập cộng đồng.
Nhìn các cháu vẻ mặt ngô nghê, chạy nhảy tung tăng và trong khuôn viên trung tâm, nhìn các cô giáo ăn mặc giản dị tất bật chăm sóc đàn cháu thiểu não trí tuệ mà lòng se sắt, cũng là nhà giáo học hành bài bản từ các giảng đường Đại học. Chưa nói thu nhập, chỉ việc diện chiếc áo dài, xoa chút son phấn, với mái tóc bồng bềnh để làm đỏm cũng không có thời gian. Cô giáo Bùi Kiều Chinh và các cộng sự thành lập Trung Tâm giáo dục trẻ đặc biệt không chỉ vì việc làm, vì miếng cơm manh áo mà vì đam mê nghề nghiệp, hơn thế là vì tấm lòng nhân ái, lòng sẻ chia với những đứa trẻ, những gia đình không may gặp phải hoàn cảnh bi ai. Với nghĩa cử đầy nhân đạo, nhân văn của cô giáo Kiều Chinh không có lý do gì Nhà nước, các cấp chính quyền không tạo điều kiện, không hỗ trợ, giúp đỡ cả tinh thần và kinh phí để Trung Tâm làm việc thiện, góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp.