Bộ não của trẻ không phải là “mô hình” thu nhỏ của người lớn, mà là thực thể độc lập có khả năng tự kết nối với thế giới. Cách thế giới của trẻ “hiển thị” phụ thuộc rất nhiều vào sự định hướng và ảnh hưởng từ cha mẹ. Với kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực khoa học thần kinh và tâm lý học, Giáo sư Lisa Feldman Barrett – Giám đốc Khoa học của Trung tâm Luật học, Trí não và Hành vi tại Đại học Harvard gợi ý cho các bậc phụ huynh 7 quy tắc nuôi dạy để phát triển sự linh hoạt của não bộ trẻ.
Cha mẹ hãy là “người ươm mầm”
Điểm khác biệt giữa thợ mộc và thợ làm vườn là gì? Nếu như thợ mộc luôn phải tỉ mỉ trong từng động tác: chạm, trổ, đục, đẽo,…để cho ra tác phẩm với tỷ lệ và tính chính xác cao thì thợ làm vườn giỏi sẽ là người biết cách ươm mầm, chăm sóc cây cối tốt tươi, để cây cối được phát triển tự nhiên nhất.
Đối với việc nuôi dạy con cái cũng vậy. Bậc cha mẹ nào cũng đều mong con mình có cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, những phương thức tiếp cận khác nhau sẽ mang đến những kết quả khác nhau.
Đặt trường hợp nếu như muốn con mình chơi thuần thục đàn violin, bạn sẽ áp dụng phương pháp “người thợ mộc” bằng cách đặt ra chế độ tập luyện nghiêm khắc với lịch tập chuẩn chỉnh. Việc này giúp con sớm đạt được kỹ thuật điêu luyện, song cũng dễ khiến con trẻ có ác cảm và xem việc chơi violin như một “nghĩa vụ” thay vì tận hưởng từng khoảnh khắc được hòa mình với nhạc cụ mình yêu thích.
Trong khi đó, giáo dục theo phong cách “người ươm mầm” sẽ tạo cơ hội và không gian để con tiếp xúc cùng âm thanh và những loại nhạc cụ khác nhau, từ đó con sẽ tự tìm ra điều khiến con yêu thích. Chỉ khi bố mẹ thực sự “hiểu” con như cách một bác thợ làm vườn lão luyện hiểu về loại cây mình đang trồng, bố mẹ mới có thể điều chỉnh môi trường xung quanh để cây bén rễ và phát triển mạnh mẽ.
>>> Có thể bạn quan tâm: Con bạn sẽ học được gì từ việc chơi đàn?
Hãy trò chuyện và đọc cho con nghe thật nhiều!
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Ngay cả ở giai đoạn vài tháng tuổi, khi trẻ còn chưa hiểu nghĩa của từ thì não bộ của trẻ vẫn có thể liên tục tiếp nhận từ ngữ. Việc trò chuyện và đọc cho con nghe mỗi ngày giúp con tiếp thu thông tin một cách bị động và là nền tảng cho giai đoạn học chủ động về sau. Do vậy, khi bạn đọc cho con nghe càng nhiều nội dung, dành càng nhiều thời gian để trò chuyện cùng con là bạn đang giúp con hình thành vốn từ vựng, tăng khả năng đọc hiểu cũng như đặt những viên gạch đầu tiên cho quá trình học sau này của con.
>>> Đừng bỏ lỡ 10 bí quyết trò chuyện cùng trẻ TẠI ĐÂY
Giúp con tìm ra gốc rễ của vấn đề bằng việc giải thích
“Giải thích” là cách tốt nhất khi đứng trước những câu hỏi của trẻ thay vì chỉ đơn giản trả lời là có – không, đúng – sai hay “phải là như thế” mà không đưa ra bất kỳ một luận điểm nào. Việc con phải phục tùng như một mệnh lệnh hay vui vẻ làm theo đều phụ thuộc ở lời giải thích của bố mẹ.
Ví dụ, khi con ăn hết bánh kẹo của anh chị, việc thúc ép trẻ bằng những câu hỏi liên tục như “con biết con sai ở đâu chưa?” rồi phạt đòn hay bắt trẻ quay mặt vào tường không phải là cách để con hiểu về lỗi lầm của mình. Thay vào đó, chúng ta nên giải thích cho trẻ rằng việc ăn hết một lượng lớn bánh kẹo như vậy sẽ khiến con gặp những vấn đề về sức khỏe (sâu răng, đau bụng). Không những vậy, khi con ăn hết bánh kẹo và không còn phần nào cho anh chị, anh chị con cũng sẽ rất buồn. Đặt trường hợp nếu anh chị là người ăn hết bánh kẹo của con, con cũng sẽ buồn như vậy. Giải thích là cách giúp con hiểu được rõ ràng về nguồn gốc của vấn đề, giúp con nuôi dưỡng sự đồng cảm và học được về kết quả hay hậu quả từ hành vi của bản thân.
Thay vì kết luận tính cách, hãy giúp con học cách nhìn vào sự việc
Nguyên tắc với lời khen ngợi hoặc trách mắng chính là dành sự kết luận cho sự việc thay vì cho con người. Khi hai con xảy ra xô xát và chị gái bị em trai đánh, thay vì trách mắng bé trai là: “Con hư quá!”, thì chúng ta có thể nói: “Việc con đánh chị khiến chị bị đau và làm chị khóc. Điều này làm tổn thương chị và không thể giải quyết được sự việc. Con nên xin lỗi chị”. Tương tự với những lời khen. Chúng ta không nên chỉ nói chung chung: “Con là một người chị tốt”, mà nên tán dương hành động cụ thể của con: “Con đã không đánh lại em ngay cả khi em đã đánh con. Đó là một hành động đáng khen”.
Cơ chế khen – trách dựa trên sự việc và hành động thay vì kết luận tính cách là nền tảng để trẻ hình thành cách nhìn khách quan đối với sự việc, giúp trẻ học được cách nhìn nhận bản chất của vấn đề thay vì quy chụp cho nhân cách.
Hãy trở thành một tấm gương tốt!
Nói về cơ chế của việc học điều mới, trẻ thường học một cách tự nhiên bằng cách quan sát, vui chơi (cùng sự vật hoặc thông qua sự việc) và sao chép từ hành động của người lớn. “Bắt chước” là một cách học hiệu quả và giúp trẻ có cảm giác được làm chủ công việc của mình. Vì vậy, hãy đưa cho trẻ một chiếc khăn lau bàn, một cây chổi quét nhà, hoặc một bình tưới cây nho nhỏ để trẻ được bắt chước cha mẹ làm việc nhà.
Tuy nhiên, con trẻ không phân biệt được cái nào nên bắt chước, còn cái nào thì không. Vì vậy, trước mặt con, chúng ta nên cố gắng trở thành những hình mẫu tốt đẹp để con có thể sao chép những điều tích cực này.
>>> Bài viết có liên quan: Sự tự tin của con trẻ bắt nguồn từ bố mẹ
Tạo cơ hội để trẻ tiếp xúc một cách an toàn với nhiều người
Cùng với những người thân mà con gặp thường xuyên như như cha mẹ, ông bà, cô dì, chú bác, hãy cố gắng tạo điều kiện để con có thể gặp gỡ thêm nhiều người khác như tại khu vui chơi tập thể, trường học, công viên,… Theo nghiên cứu, việc tiếp xúc với những gương mặt, ngôn ngữ và giọng nói khác nhau sẽ là nền tảng giúp con dễ dàng tiếp thu các ngôn ngữ khác trong tương lai. Tương tự, gặp gỡ nhiều người với màu da, tính cách đa dạng sẽ giúp trẻ mở rộng cách nhìn đối với con người, mở rộng thế giới quan, tạo nên tư duy rộng mở sau này.
Để con tự do khám phá thế giới
Quá trình thử – học – ghi nhớ – tiếp tục thử nghiệm là chuỗi hoạt động giúp trẻ khám phá cuộc sống xung quanh. Vai trò của cha mẹ không nên là cấm đoán, la mắng hay liệt kê một danh sách “nên” hoặc “không nên” thật dài. Thay vào đó, chúng ta nên đứng từ xa quan sát và chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết. Mặc dù việc “lùi bước về sau để nhìn con rõ hơn” chẳng hề dễ dàng, song việc tham gia vào mọi hành động để đảm bảo con an toàn sẽ “tước đoạt” đi quyền tự khám phá của con.
Hãy để con được cảm thấy khó khăn khi chinh phục và thử nghiệm điều mới mẻ, và chỉ đưa ra những hướng dẫn cần thiết khi con tìm đến để được trợ giúp. Đừng quên trao tặng những lời tán dương khi con khám phá hoặc tự tìm tòi được một điều gì thú vị, cha mẹ nhé!