Việc tương tác và chơi với con là một phần của hoạt động trị liệu – can thiệp cho con. Tuy vậy
việc chơi với con không phải lúc nào cũng dễ thực hiện nếu như trẻ có những khó khăn cố hữu
và khi mối quan hệ giữa bố mẹ và con có những căng thẳng (ví dụ trẻ không thích ai đó trong gia
đình vì người đó hay mắng, áp đặt…). Từ đây người ta đã sáng tạo ra phương pháp “Thời gian
chơi đặc biệt” (Special play time) để giúp bố mẹ hoặc những người chăm sóc khác chơi với trẻ.

Cách này có thể áp dụng cho hầu hết mọi trẻ kể cả bình thường hay gặp các rối loạn về phát triển
như tự kỷ, khó khăn giao tiếp, chậm nói, tăng động giảm chú ý…, phù hợp với hầu hết mọi độ
tuổi. Đây là phương pháp dễ học, dễ làm, linh hoạt, có tính khả thi cao, được khuyến cáo và sử
dụng nhiều bởi các phụ huynh ở các nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Lợi ích của “Thời gian
đặc biệt” là:
– Trẻ chấp nhận tương tác với người lớn (bố mẹ ông bà…). Điều này rất hữu ích với trẻ tự kỷ
hoặc có khó khăn về tương tác và kỹ năng xã hội, vì trẻ tự kỷ có xu hướng trốn tránh khỏi các
tương tác xã hội.
– Cải thiện mối quan hệ giữa trẻ và người lớn (nếu chưa tốt) và làm khăng khít thêm (nếu đã tốt
rồi). Vì nhiều hành vi lộn xộn và không nghe lời, những trẻ tăng động và giảm tập trung thường
là đối tượng chỉ trích của những người khác.
– Tăng hành vi tích cực: khi người lớn chú ý và chơi cùng trẻ, thời lượng cho hành vi chơi, tương
tác tích cực sẽ tăng lên, đồng nghĩa với việc thời lượng cho hành vi tiêu cực sẽ giảm đi. Hơn nữa,
trong quá trình chơi, hành vi tốt sẽ được khen thưởng và khuyên khích, do đó sẽ có xu hướng
tăng lên.
– Là tiền đề để dạy (1) cách chơi với đồ chơi, nhất là với những trẻ chưa biết chơi đồ chơi đúng
cách; (2) kích thích giao tiếp và nói, rất có ích với trẻ đang gặp khó khăn về ngôn ngữ; (3) dạy kỹ
năng xã hội. Người chơi cùng trẻ nên sáng tạo ra những tình huống buộc trẻ phải giao tiếp, nói
chuyện và ứng xử.
– Sự chú ý của người lớn là một nhu cầu và cũng là phần thưởng với hầu hết mọi trẻ em, Thời
gian Đặc biệt là một phần thưởng vì khi đó trẻ nhận được trọn vẹn 100% sự chú ý từ bố mẹ
mình. Với những bố mẹ bận rộn thì đây là một giải pháp tốt, không tốn thời gian mà hiệu quả,
nói cách khác là “chất lượng hơn số lượng”.

Hướng dẫn về “Thời gian chơi đặc biệt” cho trẻ nhỏ

“Thời gian chơi đặc biệt” là một hoạt động cho bố mẹ và con cái, được thiết kế để hoàn thành ba
mục tiêu. Thứ nhất, hoạt động này mang lại cho cả bố mẹ và con cơ hội có những hoạt động mà
cả hai bên cùng cảm thấy thoải mái về nhau và về mối quan hệ giữa bố mẹ – con cái. Thứ hai,
thời gian chơi đặc biệt mang lại cho trẻ sự chú ý toàn vẹn từ bố mẹ trong một khoảng thời gian
ngắn, một trải nghiệm giúp xây dựng lên lòng tự trong và tự tin của trẻ. Thứ ba, hoạt động này
giúp bố mẹ thực hành quan sát, nhắc lại và khen ngợi hành vi phù hợp của trẻ.

1. Lựa chọn một thời điểm trong ngày khi bạn có thể dành 10 – 30 phút trọn vẹn cho hoạt động
này. Thời gian đó nên cố định và có thể xảy ra hàng ngày, và trở thành lịch trình sinh hoạt của
gia đình, để cho hoạt động này có nhiều cơ hội xảy ra hơn. Nếu bạn có con khác, nên bố trí hoạt
động này vào lúc những trẻ khác đi học, đi ngủ hay được chăm sóc / coi bởi người lớn khác.

2. Tạo ra một danh sách các hoạt động mà trẻ thích và bạn cũng thấy thú vị. Hoạt động tốt
nhất là khi trẻ có thể tự chơi một cách tương đối, có thể sáng tạo và tưởng tượng, và tạo cơ hội
tương tác. Ví dụ về những hoạt động lý tưởng là chơi với các khối hay xếp hình Lego, chơi với
búp bê hay thú nhồi bong, chơi với nhân vật truyện tranh/hoạt hình, chơi nước, vẽ hoặc tô màu,
chơi với đất nặn, và chơi với ô tô đồ chơi. Nghĩ ra một danh sách từ 5 đến 10 hoạt động có tính
khả thi và có thể thực hiện hàng ngày. Danh sách này là linh hoạt, tức là bạn có thể thêm bớt hoạt
động bất cứ khi nào bạn muốn. Mục đích của danh sách này là nhằm có một danh mục các hoạt
động mà bạn và con mình cùng thích thú để cấu trúc Thời gian Đặc biệt theo cách tăng cường sự
vui thích cùng nhau của hoạt động đó. Bất cứ hoạt động nào cũng tốt cả. Tránh tivi, các đĩa phim
nhạc, hay các hoạt động mang tính thụ động (trẻ chỉ ngồi xem, quan sát mà không tương tác gì).
Tránh các hoạt động có nội dung bạo lực, ví dụ chơi bắn súng.

3. Miêu tả hoạt động của con bạn trong Thời gian Đặc biệt. Miêu tả chính xác điều mà trẻ đang
làm khi trẻ làm điều đó. Điều này đầu tiên có vẻ không tự nhiên và có vẻ gượng ép, nhưng nó sẽ
dần trở lên tự nhiên và dễ dàng. Mục đích của việc tường thuật này là giúp bạn tập trung vào
hoạt động của con và cho trẻ biết là bạn đang chú ý đến con mình. Nếu như con nói chuyện với
bạn, tất nhiên bạn nên ưu tiên nói chuyện với con mình hơn là tường thuật. Nói chung việc tường
thuật lại những gì trẻ đang làm là hoạt động cơ bản mà bạn sử dụng trong Thời gian Đặc biệt.

4. Tránh các câu hỏi và mệnh lệnh trong Thời gian Đặc biệt. Chọn các hoạt động không cần
dùng đến mệnh lệnh của người lớn. Hầu hết bố mẹ khi tương tác với con hay đặt nhiều câu hỏi.
Mặc dù không có gì là sai, việc đặt câu hỏi với trẻ là trái ngược với mục đích của Thời gian Đặc
biệt và nên tránh trong quá trình này. Nếu bạn thấy mình đang đặt câu hỏi hoặc đưa ra yêu cầu
trong Thời gian Đặc biệt (mà hầu hết bố mẹ đều mắc phải khi mới bắt đầu hoạt động này), hãy
thư giãn và tập trung vào việc tường thuật hoạt động của con bạn.

5. Khen ngợi con mình cho các hành vi phù hợp trong Thời gian Đặc biệt. Một số nhận xét
chung như “Bố/mẹ thực sự thích chơi với con” hay “Bố/mẹ thích chơi với con như thế này” là
phù hợp. Những mô tả cụ thể và những khen ngợi liên quan như “Con xây con đường đó rất tốt”

Dịch bởi Trần Văn Công, tranvancong@gmail.com, 0918690186
hay “Con nói chuyên với con gấu như thế là rất tốt” thì còn giá trị hơn. Cố gắng để lời khen của
bạn thành thật và chính xác và không cường điệu lên. Một trong những nhiệm vụ của bạn trong
bài tập này là nhận biết hành vi phù hợp của con và các kỹ năng cụ thể và chú ý vào những hành
vi và kỹ năng đó, cũng như khuyến khích trẻ chú ý vào chúng.

6. Lờ đi những hành vi không tốt của trẻ trong Thời gian Đặc biệt. Những hành vi không đúng
như ném đồ chơi, hét, nhảy lên đồ đạc thường không xuất hiện trong Thời gian Đặc biệt khi hoạt
động này trở thành thói quen hàng ngày. Nếu những hành vi như vậy xảy ra, hãy lờ chúng đi. Có
nghĩa là bạn hãy quay mặt đi nếu trẻ làm sai và không bình luận về hành vi đó. Thường thì cách
ứng xử này của bạn sẽ làm cho trẻ ngạc nhiên một chút hoặc thậm chí thất vọng và trẻ sẽ dừng
hành vi đó lại. Ngay khi hành vi sai trái ngừng, lại chú ý tới trẻ. Nếu con tiếp tục hành vi sai
hoặc hành vi sai được lặp lại, bạn nên dừng Thời gian Đặc biệt lại và nói với trẻ “Thời gian Đặc
biệt đã hết vì con không chơi với bố/mẹ”. Một hành vi không nên lờ đi là hành vi gây hấn. Nếu
con đánh bạn hay thực hiện một số hành vi gây hấn với bạn, bạn cũng nên dừng Thời gian Đặc
biệt lại và nói rằng “Thời gian đặc biệt kết thúc ở đây vì bố/mẹ không cho phép đánh (hay bất cứ
hành động gây hấn nào mà trẻ đã làm).” Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng hành vi sai lệch sẽ ít
gặp trong Thời gian Đặc biệt. Nếu hành vi sai lệch xuất hiện thường xuyên trong Thời gian Đặc
biệt, bạn nên trao đổi với chuyên gia.

7. Kết thúc Thời gian Đặc biệt với một bình luận tích cực sau khi thời gian chơi đã hết.
Những bình luận như “Bố/mẹ thực sự thích Thời gian Đặc biệt hôm nay” hay “Thời gian Đặc
biệt thật là vui thích cho bố/mẹ” là phù hợp. Cũng giống như lời khen về hành vi phù hợp, hãy
chắc chắn rằng nhận xét của bạn là chân thành và chính xác. Nếu bạn thấy lời khen chung chung
là không phù hợp, hãy khen ngợi hành vi cụ thể đã xuất hiện. Dừng Thời gian Đặc biệt sau số
phút nhất định (không nên quá 30 phút) là điều quan trọng để bạn không mất nhiều thời gian hay
sức lực, và để hoạt động đó có cơ hội diễn ra hàng ngày. Nếu Thời gian Đặc biệt kéo dài tới 45
phút hay 1 giờ, việc thực hiện hàng ngày sẽ trở nên khó khăn. Hãy để Thời gian Đặc biệt ngắn và
vui vẻ cho cả bạn và con. Điều này sẽ giúp giữ “Thời gian Đặc biệt” luôn đặc biệt và là thứ mà
bạn và con luôn mong chờ.

8. Thực hiện Thời gian Đặc biệt hàng ngày hoặc càng gần với hàng ngày càng tốt. Mỗi thành
viên trong gia đình nên thực hiện với trẻ.

9. Hãy biến Thời gian Đặc biệt trở thành một phần của cuộc sống của bạn cũng như của sinh
hoạt gia đình. Bạn sẽ hình thành nên những thói quen và lịch trình khiến Thời gian Đặc biệt như
là hoạt động của chính bạn hơn là một nhiệm vụ mà bạn phải cố hoàn thành. Hãy nhạy cảm với
những điều trẻ thích và không thích trong Thời gian Đặc biệt của mình. Con bạn có thể có cách
gọi riêng cho hoạt động này và có cách đặc biệt để bắt đầu hay kết thúc hoạt động. Yếu tố cơ bản
để duy trì hoạt động là sự vui thích cùng nhau, sự chú ý và lời khen ngợi của bạn với trẻ, và miêu
tả lại hoạt động của con.

10. Hãy tận hưởng!

Nguồn: PGS.Ts Trần Văn Công dịch.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *