🌿🌿Một số khái niệm
📌Khái niệm về trẻ rối loạn phổ tự kỉ
Theo Liên Hiệp Quốc (2008) “Rối loạn phổ tự kỉ là một loại khuyết tật phát triển tồn tại suốt đời, thường được thể hiện ra ngoài trong ba năm đầu đời. Rối loạn phổ tự kỉ là do một rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của não bộ gây nên, ảnh hưởng đến trẻ em và người lớn ở nhiều quốc gia không phân biệt giới tính, chủng tộc hoặc điều kiện kinh tế xã hội”. Cùng với những biến đổi trong chức năng hoạt động của não bộ, rối loạn phổ tự kỉ được đặc trưng bởi những khó khăn trong tương tác xã hội, các vấn đề giao tiếp bằng lời nói và không bằng lời nói, cũng như có các hành vi, sở thích và hoạt động hạn hẹp, lặp đi lặp lại.
Trong vài thập kỷ qua, đã có nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề chú ý của trẻ tự kỉ. Sự tập trung chú ý ảnh hưởng đến trẻ tự kỉ theo nhiều cách khác nhau, cụ thể là về học tập, trí nhớ, kỹ năng sống hằng ngày, khả năng nhận thức, xử lý thông tin, giải quyết vấn đề (Hassan Shahrokhi và cộng sự, 2013).
📌Khái niệm chú ý
Chú ý là sự tập trung của ý thức vào một hay một nhóm sự vật hiện tượng để định hướng hoạt động, bảo đảm điều kiện thần kinh – tâm lý cần thiết cho hoạt động tiến hành có hiệu quả (Nguyễn Quang Uẩn, 2011)
Các thuộc tính của chú ý bao gồm: tập trung chú ý, phân phối chú ý, khối lượng chú ý, tính bền vững của chú ý và di chuyển chú ý.
📌Đặc điểm chú ý của rối loạn phổ tự kỉ: Các nghiên cứu đã chỉ ra một số đặc điểm về sự chú ý ở rối loạn phổ tự kỉ:
– Sự tập trung mạnh mẽ vào những nét bất thường ở sự vật hiện tượng cùng các hành động lặp lại, chú ý vào những khía cạnh không quan trọng, không đáng lưu tâm trong môi trường, và gặp khó khăn trong việc đổi đối tượng chú ý hay chuyển từ hành động này sang hành động khác.
– Trong các nhiệm vụ phức tạp hơn đòi hỏi phải lọc thông tin, chuyển đổi tượng chú ý, hay lựa chọn đối tượng chú ý sao cho phù hợp, thì trẻ tự kỉ gặp nhiều khó khăn hơn, dễ bị phân tán bởi các kích thích khác hơn là kích thích cần tập trung.
– Khả năng chú ý kém đến con người, đặc biệt là khuôn mặt. Người tự kỉ dễ tập trung chú ý vào đồ vật hơn, và không dành nhiều sự quan sát cho con người, từ khuôn mặt cho đến các hành vi cũng như hoạt động giao tiếp của con người.
Những đặc điểm này được duy trì xuyên suốt từ khi người tự kỉ còn nhỏ cho đến độ tuổi trưởng thành.
🌿🌿Tổ chức và phương pháp nghiên cứu
📌Tổ chức nghiên cứu
– Khách thể: 10 trẻ được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỉ trong độ tuổi từ 3-6
– Nhóm trẻ tham gia nghiên cứu được đánh giá bằng thang đo Vineland-II và thang đo ADOS
📌Phương pháp nghiên cứu
– Phương pháp quan sát
– Phương pháp phỏng vấn sâu
– Phương pháp nghiên cứu tài liệu
🌿🌿Kết quả nghiên cứu
📌Mức độ chú ý của trẻ tự kỉ
Kết quả nghiên cứu (biểu đồ 1) cho thấy, khi trẻ chơi tự do với đồ vật, không có sự tương tác với giáo viên, mức độ tập trung của trẻ là cao nhất (M=5.80, SD =3.21).
Trong quá trình tương tác với giáo viên, trẻ tự kỉ chú ý tốt hơn với đồ chơi mô hình như sinh nhật, nấu ăn… (M=2.55, SD=1.31) và tranh ảnh (M=2.40, SD=1.63). Tiếp đó, là mức độ chú ý tương tác của trẻ với giáo viên (M=1.95, SD=1,15) và chú ý với đồ vật là hình khối, màu sắc (M=1.93, SD=0.95). Mức độ chú ý của trẻ tự kỉ kém nhất với đồ vật có âm thanh/ ánh sáng (M=1.71, SD =0.72) và chú ý đồng thời với giáo viên và đồ vật (M=1.64 và SD=0.85).
Có thể thấy so với những hoạt động chỉ có tương tác với giáo viên thì trong các hoạt động với đồ vật có sự hướng dẫn của giáo viên, thì trẻ tự kỉ sẽ chú ý hơn. Cụ thể, trong quá trình quan sát, chúng tôi nhận thấy trường hợp trẻ N.M.T (4 tuổi), với cùng một giáo viên trong cùng một buổi học, khi đến hoạt động nhận biết bộ phận cơ thể, trẻ chú ý hơn khi học với thẻ tranh; khi học nhận biết bộ phận cơ thể trực tiếp với giáo viên, trẻ ít chú hơn. Tương tự như vậy với hoạt động bật âm, ban đầu trẻ V.P.Đ (4 tuổi) không chịu bật âm theo giáo viên, không chú ý theo lời giáo viên, nhưng khi giáo viên lấy thẻ chữ, trẻ chú ý tới thẻ chữ và chịu nói theo.
Mặc dù, trẻ tự kỉ chú ý tốt hơn với đồ vật, nhưng nhìn chung, mức độ chú ý của trẻ ở mức thấp. Khi phỏng vấn sâu cán bộ can thiệp, các cán bộ can thiệp đều cho rằng mức độ chú ý của trẻ tự kỉ ở mức thấp, trung bình thấp.
Thời gian chú ý của trẻ khi được hỗ trợ bằng lời, hỗ trợ bằng hành động, hỗ trợ bằng lời nói và hành động đều nhiều hơn khi không được hỗ trợ. Như vậy, trong quá trình can thiệp, nếu giáo viên có nhắc nhở, hỗ trợ, sẽ giúp trẻ chú ý hơn vào hoạt động.
📌Khả năng di chuyển chú ý của trẻ tự kỉ
Theo kết quả quan sát được, nhóm nhận thấy có 68.4% trẻ tự kỉ có thể chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác một cách dễ dàng. Có 26.3% trẻ tự kỉ mất khoảng 15-30 giây trước khi chuyển sang hoạt động khác. Trẻ có xu hướng khóc, lăn ra đất khi không muốn chuyển sang hoạt động khác. Bên cạnh đó, có 5.3% trẻ tự kỉ không đồng ý chuyển hoạt động. Điều này liên quan đến việc di chuyển chú ý của trẻ tự kỉ, vì có hành vi rập khuôn, định hình nên trẻ tự kỉ gặp khó khăn trong việc di chuyển chú ý từ hoạt động này sang hoạt động khác.
📌Những yếu tố tác động tới mức độ chú ý của trẻ tự kỉ
Trong khi trẻ đang học can thiệp với giáo viên, chúng tôi có thực hiện một số yếu tố gây sao nhãng như tiếng ti vi hoặc điện thoại, tiếng ồn (tiếng khoan, tiếng máy xay, tiếng người nói chuyện,…), tiếng đồ vật rơi, phòng học thiếu ánh sáng, có người khác xuất hiện trong phòng… Kết quả nhận thấy, có 70% trẻ tự kỉ ngước nhìn về phía có tiếng nhạc từ điện thoại, 50% trẻ có phản ứng với tiếng ồn hay tiếng đồ vật rơi, 47% trẻ tự kỉ chú ý khi đèn trong phòng bị tắt. Khi có người mới đi vào phòng, có 40% trẻ chú ý và nhìn lên. Trong suốt 60 phút quan sát phòng học có một cặp giáo viên và học sinh khác, có 33.3% trẻ tự kỉ chú ý tới giáo viên khác và 23.5% trẻ tự kỉ chú ý tới giáo viên và học sinh khác ở trong phòng.
Như vậy, có thể thấy với các kích thích là âm thanh hoặc ánh sáng khiến trẻ dễ sao nhãng so với các hoạt động đang diễn ra, nhất là những hoạt động có kích thích từ chủ thể là người.
🌿🌿Khuyến nghị
Để trẻ tự kỉ có thể học tập, phát triển rất cần sự hỗ trợ từ người lớn, người lớn ở đây có thể là cán bộ can thiệp, có thể là cha mẹ/người chăm sóc.
Nên có sự phân phối đan xen các hoạt động một cách linh hoạt trong quá trình can thiệp (tạo ra các hoạt động liên quan đến thẻ tranh, số chữ cái để thu hút sự chú ý của trẻ. Sau đó chuyển dần chú ý của trẻ từ đồ vật sang người hướng dẫn), để tránh làm cho trẻ căng thẳng và mệt mỏi. Đồng thời, cán bộ can thiệp cũng cần sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ kịp thời trong các hoạt động để trẻ có thể tham gia vào các hoạt động được tốt hơn.
Với mức độ chú ý của trẻ thấp, trong quá trình can thiệp cho trẻ tự kỉ, các cơ sở can thiệp cũng cần có những thiết kế hoặc cấu trúc phòng học phù hợp với đặc điểm của trẻ, cố gắng tránh những yếu tố gây nhiễu ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức.
Các yếu tố tác động đến chú ý ở các môi trường cũng có thể khác nhau (ở nhà, ở cơ sở can thiệp, ở trường học, khu vui chơi), cần phải nắm rõ điều này là có cách thức hỗ trợ phù hợp. Ngoài ra, cũng có những kỳ vọng phù hợp với trẻ (Có rất nhiều phụ huynh băn khoăn rằng ở nhà trẻ rất chú ý học bài, nhưng đến lớp gần nhưng không chú ý học, khiến giáo viên phàn nàn và nhắc nhở).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *