Xuất phát điểm là một cô giáo mầm non, quay lại với nghề theo một cách thật đặc biệt. Đó là một buổi chiều muộn của mùa hạ, hoàng hôn vàng ruộm cả mộ góc trời, tôi có cơ hội gặp chị Bùi Kiều Chinh – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Sao. Được lắng nghe chị tâm sự, chia sẻ, trải lòng về công việc “khá lạ lẫm” nhưng lại thầm lặng đem đến cho các em nhỏ những cơ hội đến gần hơn với chiếc khăn quàng đỏ, với áo trắng tinh khôi – đó là nghề giáo viên đặc biệt. Sự tâm huyết với nghề, tình cảm với các em nhỏ của chị đã thôi thúc tôi quyết định lựa chọn, đi theo, đồng hành cùng chị trên chặng đường giúp các em nhỏ tự kỉ có thể hòa nhập với các bạn cùng trang lứa.
Ý chí, quyết tâm nồng nàn là vậy, nhưng đối với một cô gái hai mươi mấy tuổi chưa làm mẹ như tôi, lần đầu gặp gỡ với các em ở trung tâm cũng không khỏi bỡ ngỡ. Không có tiếng nô đùa ríu rít, cũng chẳng có tiếng chào cô líu lo, một cách khó khăn các em dường như đang cuộn tròn vào thế giới của riêng mình. Những ngày đầu làm việc với các em có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất, đó là cả tiếng đồng hồ chạy theo một cậu bé quá hiếu động, là loay hoay trước sự tức giận, gào thét, phá phách của một bạn cố tình gây sự chú ý, là cả một buổi bồng bế em nhỏ trên tay quấy khóc vì ngày đầu xa mẹ, là đồ chơi lộn xộn khắp phòng học, là bỉm bô, sữa bột, thuốc nọ, nước kia nối tiếp luôn phiên. Tủi thân có, mệt mỏi áp lực có, nhưng thật may mắn bên cạnh tôi luôn có sự động viên giúp đỡ của các chị em đồng nghiệp.
Tới một ngày, khi tôi hiểu rõ được những khó khăn mà bản thân các em gặp phải, tôi lại cảm thấy thương các em nhiều thêm. Nghẹn lòng biết bao nhiêu khi tất thảy những cảm xúc nóng giận, những hành vi vô nghĩa, những âm thanh bộc phát, sự thờ ơ, hờn dỗi của các em, diễn ra khiến người khác cảm thấy khó chịu, thì cũng chính là khi đó, bên trong con người các em ấy đang phải gồng gánh bao rối loạn về thần kinh. Sự khó khăn trong định hướng không gian, nhạy cảm quá ngưỡng với những âm thanh hết sức bình thường, tầm nhìn với vô số hình ảnh rối nhiễu, cảm giác lo lắng và bất an,… đó đều là những khó khăn luôn thường trực kéo dài dằng dặc sau lưng, trước mắt các em.
Cái nghề của tôi cũng lạ lắm, không bảng đen phấn trắng, không giáo án trên tay, mỗi tiết dạy đều bắt đầu bằng cách thật tình cờ để nương theo cảm xúc của các em, để các em có được cảm giác thật gần gũi và thân thương. Chúng tôi cùng khóc, cùng cười, cùng vô tư đuổi theo một trái bóng, hô hào thật to khi xếp được khối gỗ lên cao, nhắm mắt bặm môi trước gương, thi nhau diễn giải “a bờ cờ, một hai ba bốn,…” dán trên tường. Thế đó, có thể đối với bao người thầy khác, trái ngọt của họ là sự thành công của các cô cậu học trò tại các cuộc thi, là chiếc áo cử nhân bên tấm bằng đại học, là sân khấu, là ánh đèn lung linh phô diễn tài năng. Nhưng đối với những cô giáo đặc biệt như chúng tôi, thành công lại được đong đếm bằng những giọt nước mắt hạnh phúc, bất chợt lăn dài khi các em bỗng dành một ánh nhìn về phía cô, bỗng bật một tiếng “dạ” hai tiếng gọi “cô ơi”. Những thứ tưởng chừng quá đỗi đơn giản như thế, nhưng đó lại là kết quả của một quá trình dài cố gắng của cô, của ba mẹ và hơn hết là của chính bản thân các em.
Tôi đã nghe được ở đâu đó một câu nói như thế này: “Không có một đứa trẻ nào không tiến bộ, chỉ có người thầy chưa đủ cố gắng”. Quả đúng vậy, tôi đã từng dừng lại thật lâu bên hình ảnh Brad Cohen – nhân vật chính trong một bộ phim mang tên “giáo viên bất hạnh” (FRONT OF THE CLASS). Đó là một tác phẩm vô cùng ý nghĩa. Phim kể về Brad Cohen người bị mắc hội chứng rối loạn thần kinh chưa có phương pháp chữa trị. Cohen mắc bệnh từ khi lên 6 tuổi. Trong suốt quãng thời gian học tập, cậu bé thường xuyên bị phạt do những tiếng ồn của bản thân gây ra trong lớp học. Những người xung quanh và thậm chí cả cha của cậu cũng luôn nghĩ rằng, cậu bé đang cố tình làm trò hề để gây sự chú ý. Nhưng dưới sự giúp đỡ tận tình của nhà trường, thầy cô, và người mẹ yêu quý, mà Cohen từng bước vượt qua được những khiếm khuyết của bản thân để trở lên tự tin và trở thành một người thầy giáo thật đặc biệt như cậu từng mơ ước.
Bởi vậy mới thấy, dẫu cho đó là cả một chặng đường dài và gian nan, nhưng chúng tôi – những người giáo viên đặc biệt luôn phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn mỗi ngày để hỗ trợ, đồng hành cùng các em, giúp các em luôn cảm nhận được tình yêu thương, cảm giác an toàn, tiến bộ và hòa nhập, để mỗi ngày đến lớp là một ngày vui, để nụ cười em tươi đượm hồng trang vở mới. Xin được mượn lời của một câu hát để khép lại dòng cảm xúc này: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”
Bạn là một giáo viên đầy lòng nhân ái ! Chỉ có những người có tấm lòng như bạn mới giúp được các con , Mong cho cuộc đời này có nhiều GV như bạn . Cảm ơn bạn !